logo

Khoảng trời riêng cho con

Khoảng trời riêng cho con

Khoảng trời riêng cho con

Theo quan niệm của văn hóa phương Đông, con cái là tài sản của cha mẹ, chính vì thế cha mẹ thường có thói quen can thiệp sâu vào cuộc sống của con trẻ với một ước mong rằng con sẽ thành công trong tương lai theo con đường cha mẹ đã định trước. Tuy nhiên, việc can thiệp quá nhiều vào các quyết định của con dễ khiến cho trẻ chịu những áp lực vô hình, dần dần mất đi cơ hội và khả năng lựa chọn của mình và tạo nên những khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái.

 

 

Cha mẹ nào cũng thương con một các vô điều kiện, tuy nhiên, nếu tình thương đó đi quá giới hạn thì sẽ tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của con sau này.

Chúng ta thường so sánh việc nuôi dạy một đứa trẻ giống với việc trồng một cái cây, khi trồng cây các bác nông dân thường phải trồng các cây cách nhau một khoảng đủ để cây có thể hút các chất dinh dưỡng để phát triển. Việc nuôi dạy trẻ cũng vậy, cha mẹ cần cho con khoảng không gian riêng để trẻ trưởng thành một cách toàn diện. Đó cũng là chủ đề mà Chuyên gia giáo dục học Lê Thị Phương Nga, chia sẻ trong buổi Meeting Online “Con và khoảng trời riêng” do Cộng đồng Cha Mẹ Chuyên Nghiệp tổ chức.

 

 

“Không gian riêng” vật chất

Khi nghe đến “không gian riêng”, chúng ta sẽ nghĩ đến không gian vật chất, đó là phòng riêng, đồ đạc riêng, phương tiện di chuyển riêng,… Xã hội phát triển, cha mẹ dễ dàng được tiếp cận với những phương pháp dạy con khác nhau, hiện nay cha mẹ thường có xu hướng tập cho con trẻ ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ để tập tính tự lập. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

 

 

Sự gắn kết máu mủ là mối dây bền chặt được hình thành giữa cha mẹ và con cái. Liên kết này làm cho các bậc cha mẹ luôn muốn dành cho con họ sự quan tâm và tình yêu ngọt ngào nhất. Và họ luôn muốn bảo vệ, nuôi dưỡng đứa con bé nhỏ của mình. Sự liên kết này khiến cha mẹ phải thức dậy giữa đêm khuya để cho con bú và làm cho họ luôn để tâm tới mọi tiếng khóc của con mình.

Các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu rất nhiều về sự liên kết giữa cha mẹ và con cái. Họ biết rằng sự gắn kết mạnh mẽ giữa cha mẹ và con cái. Cho trẻ khái niệm đầu tiên về tình yêu thương và nuôi dưỡng cảm giác an toàn cũng như sự tự tin ở trẻ. Phản ứng của cha mẹ đối với tín hiệu của trẻ sơ sinh. Có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và xã hội ở trẻ.

 

 

Khi cha mẹ để con ngủ ở phòng riêng, nguồn năng lượng gắn kết sẽ bị yếu đi, sự gắn kết giữa con cái và cha mẹ cũng sẽ bị giảm, trẻ cảm thấy có thể tự giải quyết những vấn đề của mình mà không cần sự trợ giúp của người lớn. Bên cạnh đó, khi trẻ còn nhỏ, những nguy cơ tiềm ẩn khi ngủ cũng dễ dàng xảy ra, việc cho con ở phòng riêng thì cha mẹ sẽ không biết được sự thay đổi trong giấc ngủ của con và có thể sẽ dẫn đến những việc đáng tiếc.

Vậy độ tuổi nào con mới có thể ở riêng? Theo chuyên gia giáo dục học Lê Thị Phương Nga, khoảng 3 tuổi bé có thể có không gian riêng của mình, tuy nhiên cha mẹ vẫn nên để phòng của con sát bên và ngăn cách bởi tấm màn để đảm bảo rằng cha mẹ vẫn có thể theo dõi sự phát triển của con.

Không gian riêng về vật chất có thể làm con trở nên ích kỷ, “Yêu thương không xuất phát từ sự đẻ ra, mà yêu thương sinh ra từ trách nhiệm”, chính vì thế các thành viên trong gia đình luôn cần phải “nối dài” sợi dây yêu thương ấy hằng ngày.

“Không gian riêng” tinh thần

Chúng ta thường “bắt” con ở một không gian riêng khi con còn nhỏ nhưng lại gò ép chúng theo những suy nghĩ của người lớn, chính việc ép buộc trẻ phải làm theo những suy nghĩ mà chúng ta cho rằng tốt thì có thể sẽ gây hại cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Vậy cách để cha mẹ tạo nên không gian tinh thần lành mạnh cho trẻ là gì?

- Cho con được tự do suy nghĩ, sáng tạo theo cách riêng: có những người sẽ đặt câu hỏi rằng, trẻ quá sáng tạo sẽ có thể đi lệch những điều cơ bản trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải hiểu rằng những gì thuộc về logic, tương tác xã hội thì cần đến vai trò của cha mẹ để định hướng cho con, còn những điều không có giới hạn đúng, sai, thì hãy để con trẻ tự do sáng tạo theo ý của mình.

 

 

- Cho trẻ được quyền khám phá mọi thứ trong giới hạn an toàn: cha mẹ nên đứng từ xa quan sát những hành động của trẻ và khi cảm thấy nguy hiểm, hãy phân tích cho con mặt lợi, hại của hành động để con có thể hiểu và  tự ra quyết định cho riêng mình.

Nuôi con là một hành trình dài, cần đến sự kiên trì và học hỏi mỗi ngày của các bậc cha mẹ. Chính vì thế, cha mẹ hãy trở thành những người định hướng, giúp con có không gian phát triển tốt nhất cho tương lai sau này.

Theo Cộng đồng cha mẹ chuyên nghiệp

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT